Thứ tự thần linh Tứ Phủ công đồng (tứ phủ vạn linh) trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Tìm hiểu về tín ngưỡng thờ Mẫu tại Việt Nam. Nhiều bạn hỏi thứ tự thần linh Tứ Phủ công đồng (tứ phủ vạn linh) trong tín ngưỡng thờ Mẫu? Hãy cùng PHONG THUỶ ĐÀO GIA tìm hiểu về điều này nhé; bạn cũng có thể xem lại nội dung này trên kênh tiktok, nghe qua Podcast hoặc kênh youtube của chúng tôi.

Tứ phủ công đồng là gì?

Tứ phủ công đồng hay Tứ phủ Vạn Linh là một khái niệm có quan hệ mật thiết với tín ngưỡng thờ Mẫu tại Việt Nam. Các vị thần khâm sai của Tứ phủ được thờ tại hầu hết các chùa miền Bắc. Đôi khi cũng có những vị Thần thuộc các văn hóa khác được kết nạp. Nữ thần Thiên Y A Na của người Chăm được nhập vào hệ thống Tứ phủ và thờ làm Mẫu Thiên. Trong khi đó, nhiều tài liệu cho rằng ở miền Bắc, Mẫu Thiên lại là Liễu Hạnh Công chúa. Bà cũng được coi là Mẫu Địa phủ, vị Mẫu thứ tư. Tứ phủ là khái niệm thường được đi liền với Tam phủ – hệ thống ba vị mẫu đệ nhất, đệ nhị, và đệ tam.

Có tài liệu cho rằng hệ thống Tứ phủ được xây dựng từ Tam phủ cộng thêm mẫu Liễu. Tuy nhiên, do các tín ngưỡng Việt Nam hầu như chỉ được gìn giữ từ đời này sang đời khác qua hình thức truyền khẩu mà không có tài liệu rõ ràng và ít được nghiên cứu. Do đó có sự đa dạng tùy theo từng vùng, và được giải thích theo nhiều hướng khác nhau.

Tứ phủ vạn linh gồm những ai, thứ thự thế nào?

Hệ thống thần linh của Tứ phủ là để chỉ hệ thống thần thánh Việt Nam cùng vị trí của họ trong thần điện của tín ngưỡng thờ Tứ Phủ. Với đặc thù là tín ngưỡng dân gian và có tính mở, trải qua thời gian, số lượng các vị Thánh cũng có sự thay đổi. Nhưng dù vậy, vị trí các vị Thần cũng không thay đổi quá nhiều. Về cơ bản thì tứ phủ vạn linh (tứ phủ công động) sẽ bao gồm các vị thần và thứ tự như sau:

1. Chư Phật

2. Vua Cha

3. Thánh Mẫu

4. Quan Lớn

5. Chầu Bà

6. Ông Hoàng

7. Thánh Cô

8. Thánh Cậu

Cụ thể, trong 8 hàng ghế đó như sau:

1. Chư phật (Quan Thế Âm Bồ Tát)

Nhiều người cho rằng Tứ Phủ Vạn Linh hoàn toàn không có liên quan đến Đạo Phật, tuy nhiên trái lại Đạo Phật lại có vị trí quan trọng trong hệ thống Tứ Phủ. Chúng ta thường thấy tại các ngôi đền thuộc Tứ Phủ thường đặt tượng thờ Bồ Tát thờ tự, cung kính. Ngoài ra trong các bài văn khấn Tứ Phủ cũng thỉnh đến Bồ Tát. Và ngược lại, trong các ngôi chùa ở đồng bằng Bắc Bộ thường sau chùa có ban thờ Mẫu theo lối “Tiền Phật – Hậu Mẫu”, nói như vậy để thấy rằng vai trò và tầm ảnh hưởng qua lại của 2 tín ngưỡng này đan sen hòa đồng, hòa hợp theo dòng chảy lịch sử hình thành văn hóa tâm linh của người Việt.

Vì vậy, trong các khóa hầu khai đàn, thường có các nghi thức thỉnh Phật tuyên kinh, hoặc khi hầu tráng bóng Mẫu thì đều có nghi thức thỉnh phật và Bồ Tát Quan Thế Âm là một hình tượng đại diện cho Đạo Phật xếp hàng đầu trong hệ thống thần linh tứ phủ.

2. Đức Vua Cha

Đức Vua Cha là những vị thần đứng đầu tứ phủ trong vũ trụ, xếp hàng thứ 2 trong hệ thống Tứ Phủ Vạn Linh trong tín ngưỡng thờ Mẫu. Các ngài có quyền năng tối linh, ra lệnh cho các vị thần khác. Các ngài có đền thờ riêng. Tại các ngôi đền khác, ngài có ban thờ riêng nhưng không phải tại vị trí cao nhất. Bởi vị trí cao nhất, theo quan niệm thờ tự tại đền điện Việt Nam, thì vị trí này là hậu cung luôn là nơi thờ Tam tòa Thánh Mẫu.

Các vị Đức Vua Cha bao gồm:

Vua Cha Thiên Phủ (vùng trời) – Danh hiệu: Ngọc Hoàng Thượng Đế – Màu sắc đại điện: màu vàng

Vua Cha Thủy Phủ (vùng sông nước) – Danh hiệu: Vua Cha Thủy Quốc Động Đình – Màu sắc đại diện: màu trắng.

Vua Cha Nhạc Phủ (vùng rừng núi) – Danh hiệu: Đức Tản Viên Sơn Thánh – Màu sắc đại diện: màu xanh.

3. Thánh Mẫu

Thánh Mẫu là các vị Thánh Mẫu đứng đầu các phủ. Theo quan niệm Tứ Phủ vạn linh bao gồm 4 vị Mẫu có quyền uy tối cao, còn theo quan điểm Tam Phủ Công Đồng thì có 3 vị thánh Mẫu.

Tứ Phủ Thánh Mẫu bao gồm

Mẫu Đệ Nhất Thiên Tiên (Thiên Phủ) – Danh hiệu: Thanh Vân Công Chúa – Màu sắc: màu xanh hoặc màu hồng.

Mẫu Đệ Nhị Địa Tiên (Địa phủ) – Danh hiệu: Liễu Hạnh Công Chúa – Màu sắc: màu đỏ

Mẫu Đệ Tam Thủy Cung (Thoải phủ) – Danh hiệu: Xích Lân Công Chúa – Màu sắc: màu trắng

Mẫu Đệ Tứ Nhạc Tiên (Nhạc Phủ) – Danh hiệu: Sơn Lâm Công Chúa – Màu sắc: màu xanh

Tam Tòa Thánh Mẫu bao gồm:

Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên (Thiên Phủ) – Danh hiệu: Liễu Hạnh Công Chúa – Màu sắc: màu đỏ

Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn (Nhạc Phủ) – Danh hiệu: La Bình Công Chúa – Màu sắc: màu xanh

Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ (Thoải Phủ) – Danh hiệu: Xích Lân Công Chúa – Màu sắc: màu xanh

Giống như Đức Vua Cha, mỗi vị thánh mẫu mang quyền phép phụ trách mỗi vùng miền riêng biệt gồm vùng trời, núi rừng, vùng nước và vùng đất. Tại các ngôi đền trên đất Bắc, Tam Tòa Thánh Mẫu được thờ tự phổ biến và được đặt tại vị trí cao nhất và cung kính nhất tại cấm cung hay hậu cung. Các Mẫu thường có có các thánh cô theo hầu và giúp việc (Tứ Phủ Thánh Cô sẽ được nêu ở mục sau).

Khi loan giá ngự đồng, các Mẫu chỉ hầu tráng bóng và tuyên kinh, tuyệt đối không tung khăn, đây là điều các thanh đồng cần đặc biệt lưu ý.

4. Ngũ Vị Tôn Quan

Ngũ Vị Tôn Quan là các vị quan lớn được cho là con của Đức Vua Cha Bát Hải Động Đình, đều từ thiên đình giáng hạ vào nước Nam là các vị tướng có công lớn giúp Vua Cha đánh thắng giặc ngoại xâm trên 8 cửa biển từ thời Hùng Vương Thập Bát, đến khi thác hóa lại hộ quốc an dân, Ngũ Vị Tôn Quan bao gồm:

Quan Lớn Đệ Nhất Thượng Thiên – Màu sắc đại diện: Màu đỏ

Quan Lớn Đệ Nhị Thượng Ngàn Thanh Tra Giám Sát – Màu sắc đại điện: màu xanh lá.

Quan Lớn Đệ Tam Thoải Phủ – Màu sắc đại điện: màu trắng.

Quan Lớn Đệ Tứ Khâm Sai quyền cai Tứ Phủ – Màu sắc đại diện: màu vàng.

Quan Lớn Đệ Ngũ Tuần Tranh – Màu sắc đại diện: màu lam, xanh nhạt hoặc tím than.

5. Thập nhị chầu Bà (Tứ phủ Chầu Bà)

Tứ phủ Chầu Bà xếp hàng thứ 3 liền kề sau hàng Ngũ Vị Tôn Quan, nhân gian gọi là thập nhị Tiên nương hoặc thập nhị chầu bà. Gồm mười hai vị chầu bà cai quản khắp bốn phương tám hướng trải từ vùng rừng đến vùng nước. Các vị đều được coi là hóa thân, người phục vụ trực tiếp của các vị Thánh Mẫu.

Các vị Chầu Bà thường về giá ngự về đồng nên được con nhang đệ tử xa gần đều biết rõ về thần tích, rõ ràng về nơi thờ tự riêng. Tứ phủ Chầu Bà bao gồm:

  1. Chầu Đệ Nhất Thượng Thiên (Thiên phủ) – Màu sắc đại diện: màu đỏ
  2. Chầu Đệ Nhị Thượng Ngàn (Nhạc Phủ) – Danh hiệu: Ngôi Kiều Công Chúa – Màu sắc đại diện: màu xanh
  3. Chầu Đệ Tam Thoải Phủ (Thoải Phủ) – Danh hiệu: Thủy Điện Công Chúa – Màu sắc đại diện: màu trắng.
  4. Chầu Đệ Tứ Khâm Sai (Địa phủ) – Danh hiệu: Chiêu Dung Công Chúa – Màu sắc đại diện: màu vàng.
  5. Chầu Năm Suối Lân (Nhạc Phủ) – Danh hiệu: Suối Lân Công Chúa – Màu sắc đại diện: màu xanh lam hoặc xanh thiên thanh.
  6. Chầu Lục Cung Nương (Nhạc Phủ) – Danh hiệu: Lục Cung Công Chúa – Màu sắc đại diện: màu lam.
  7. Chầu Bảy Kim Giao (Nhạc Phủ) – Danh hiệu: Tân La Công Chúa. Màu sắc đại diện: màu tím hoặc xanh.
  8. Chầu Tám Bát Nàn (Nhạc Phủ) – Danh hiệu: Nữ Tướng Bát Nàn – Màu sắc đại diện: màu vàng.
  9. Chầu Chín Cửu Tỉnh – Màu sắc đại diện: màu đỏ (một số nơi là màu hồng)
  10. Chầu Mười Đồng Mỏ (Nhạc Phủ) – Danh hiệu: Nữ Tướng Đồng Mỏ Chi Lăng – Màu sắc đại diện: màu vàng.
  11. Chầu Bé Bắc Lệ (Nhạc Phủ) – Danh hiệu: Bắc Lệ Công Chúa – Màu sắc đại diện: màu đen hoặc xanh chàm.
  12. Chầu Bà Bản Đền – Danh hiệu: Thủ Điện Công Chúa – Màu sắc đại diện: màu hồng, màu xanh hoặc màu trắng.

6. Thập vị ông Hoàng (Tứ phủ Quan Hoàng)

Tứ Phủ Quan Hoàng hay còn được gọi là Thập Vị Ông Hoàng, xếp dưới hàng Tứ Phủ Chầu Bà. Thập vị Quan Hoàng đều có gốc tích là con trai Vua Cha Bát Hải Động Đình, tuy nhiên các vị quan Hoàng thường được địa phương hóa mà gắn với một nhân vật lịch sử thường là các danh tướng có công dẹp loạn cứu nước, đóng góp vào công cuộc khai sáng, mở mang đất nước, giúp đỡ nhân dân ổn định cuộc sống.

Trong số 10 ông thì có ba ông thường về giáng đồng gồm Quan Hoàng Bơ Thoải, Quan Hoàng Bảy và Quan Hoàng Mười. Bởi vậy, đây cũng là ba vị thánh hoàng được nhân dân biết đến nhiều hơn cả.

  1. Quan Hoàng Cả (Thiên Phủ) – Màu sắc đại diện: màu đỏ.
  2. Quan Hoàng Đôi (Nhạc Phủ) – Màu sắc đại diện: màu xanh lá.
  3. Quan Hoàng Bơ (Thoải Phủ) – Màu sắc đại diện: màu trắng.
  4. Quan Hoàng Tư (Địa Phủ) – Màu sắc đại diện: màu vàng.
  5. Quan Hoàng Năm – Màu sắc đại diện: màu xanh ngọc
  6. Quan Hoàng Lục – Màu sắc đại diện: màu đỏ, hoặc đen hoặc xanh.
  7. Quan Hoàng Bảy (Nhạc Phủ) – Màu sắc đại diện: màu lam hoặc tím chàm.
  8. Quan Hoàng Bát (Thoải Phủ) – Màu sắc đại diện: màu vàng
  9. Quan Hoàng Chín (Thiên Phủ) – Màu sắc đại diện: Ông Chín Cờn Môn – màu đen
  10. Quan Hoàng Mười (Địa Phủ) – Màu sắc đại diện: màu vàng

7. Tứ phủ Thánh Cô

Tứ Phủ Thánh Cô là những vị thánh cô hầu cận các vị Thánh mẫu hoặc các Chầu. Người ta thường có lời tấu để cô kêu thay lạy đỡ trước cửa Thánh Mẫu để Mẫu chứng cho lòng thành của con nhang đệ tử.

  1. Cô Đệ Nhất Thượng Thiên (Thiên Phủ) – Màu sắc đại diện: màu đỏ.
  2. Cô Đôi Thượng Ngàn (Nhạc Phủ) – Màu sắc đại diện: màu xanh lá.
  3. Cô Bơ (Thoải Phủ) – Màu sắc đại diện: màu trắng.
  4. Cô Tư Tây Hồ (Địa Phủ) – Màu sắc đại diện: màu vàng
  5. Cô Năm Suối Lân (Nhạc Phủ) – Màu sắc đại diện: màu xanh thiên thanh hoặc xanh lá.
  6. Cô Sáu Sơn Trang (Nhạc Phủ) – Màu sắc đại diện: màu xanh lam hoặc tím chàm.
  7. Cô Bảy Kim Giao (Nhạc Phủ) – Màu sắc đại diện: màu tím hoặc chàm xanh.
  8. Cô Tám Đồi Chè (Nhạc Phủ) – Màu sắc đại diện: màu xanh, có nơi là tím hoa cà.
  9. Cô Chín Sòng Sơn (Thiên Phủ) – Màu sắc đại diện: màu hồng.
  10. Cô Mười Mỏ Ba (Nhạc Phủ) hoặc Cô Mười Đồng Mỏ – Màu sắc đại diện: màu vàng
  11. Cô Bé Thượng Ngàn (Nhạc Phủ) với màu áo ngự về đồng họa tiết thổ cẩm
  12. Cô Bé Đông Cuông (Nhạc Phủ) – Màu sắc đại diện: màu xanh
  13. Cô Bé Thoải Phủ (Thoải Phủ) – Màu sắc đại diện: màu trắng

8. Tứ phủ thánh Cậu

Tứ Phủ Thánh Cậu là các thánh cậu hầu cận bên các thánh hoàng. Các cậu là những người nam thiếu niên thác hóa khi còn nhỏ tuổi nhưng thông minh hiển linh thánh các bé Thánh . Trong các vị Thánh Cậu thì chỉ có 4 vị được cắt cử đi chấm linh nhận đồng và loan giá ngự đồng gồm Cậu Hoàng Cả, Cậu Hoàng Đôi , Cậu Hoàng Bơ và Cậu Bé. Cậu Bơ và Cậu Bé là hai thánh cậu thường xuất hiện tại tất cả các buổi hầu đồng.

  1. Cậu Hoàng Cả (Thiên Phủ) – Màu sắc đại diện: màu đỏ
  2. Cậu Hoàng Đôi (Nhạc Phủ) – Màu sắc đại diện: màu xanh lá
  3. Cậu Hoàng Bơ (Thoải Phủ) – Màu sắc đại diện: màu trắng.
  4. Cậu Hoàng Tư – Màu sắc đại diện: màu vàng
  5. Cậu Quận Đồi Ngang – Màu sắc đại diện: màu đỏ
  6. Cậu Bé Bản Đền (Nhạc Phủ) – Màu sắc đại diện: màu xanh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *