Truyền thuyết Mẫu Liễu Hạnh và nguồn gốc lễ hội Phủ Dầy ở huyện Vụ Bản (Nam Định)

Người Việt Nam hay truyền tai nhau câu nói “Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ”, ý muốn nói đến tục giỗ Mẹ vào tháng Ba âm lịch để tưởng nhớ công đức của Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Lễ hội Phủ Dầy được tổ chức từ ngày 3 – 8/3 âm lịch hàng năm, là dịp để du khách có dịp tìm hiểu, tri ân công đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Trong bài viết này, PHONG THUỶ ĐÀO GIA xin được tổng hợp và giới thiệu đến quý đại chúng xa gần một số thông tin về Truyền thuyết Mẫu Liễu Hạnh và nguồn gốc lễ hội Phủ Dầy ở huyện Vụ Bản (Nam Định). Bạn cũng có thể xem lại nội dung này trên kênh tiktok, nghe qua Podcast hoặc kênh youtube của chúng tôi.

1. Lễ Hội Phủ Dầy tổ chức ở đâu, khi nào, ý nghĩa của lễ hội

Lễ Hội Phủ Dầy là một lễ hội truyền thống của Việt Nam, được tổ chức hàng năm vào tháng 3 âm lịch tại làng Vân Cát- Tiên Hương, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Lễ hội Phủ Giầy diễn ra vào ngày 1/3 đến ngày 10/3 âm lịch hàng năm. Thời gian diễn ra lễ hội chính vào ngày 10/3 âm lịch.

Lễ hội nhằm tổ chức nghi lễ, thắp hương biết ơn Thánh Mẫu Liễu Hạnh, là một trong 4 vị thánh bất tử của dân tộc ta ( Tản Viên sơn thánh- Thánh Gióng- Chử Đồng tử- Mẫu Liễu).

2. Nguồn gốc lễ hội Phủ Dầy

Từ lâu, lễ hội Phủ Dầy dần trở thành một lễ hội không thể thiếu của người Nam Định nói riêng và người Việt Nam trên cả nước nói chung.

Phủ Dầy trước đây có tên là Kẻ Dầy, nơi suy tôn Liễu Hạnh. Sau này khi Liễu Hạnh được phong thành Mẫu Nghi của đất Việt, Chế Thắng Hòa diệu Đại vương và sắc phong Thượng đẳng tối linh thành. Nơi đây cũng đổi tên từ Phủ Dầy thành Kẻ Dầy.

Phủ Dầy có nghĩa là đền lớn của Kẻ Giày. Không rõ Phủ Dầy được xây từ năm nào. Chỉ biết rằng năm 1557 thời vua Lê Anh Tông nhà Lê, nơi đây vì xích mích giữa người dân. Nên chia làm 2 xã Tiên Hương và Vân Cát. Sau này Phủ Dầy cũng chia kiến trúc thành 2 khu vực riêng tên là phủ Tiên Hương và phủ Vân Cát.

Theo các công trình khoa học nghiên cứu quá trình tam sinh tam hóa của Thánh Mẫu Liễu Hạnh vào các thế kỷ XV, XVI, XVII thì lịch sử xây dựng và trùng tu các phủ Tiên Hương, Vân Cát… sớm nhất vào thời Hậu Lê, thế kỷ XVII, niên hiệu Dương Hòa (1642), Cảnh Trị (1663 – 1671). Đến thời Nguyễn, việc trùng tu, xây dựng các phủ Tiên Hương, Vân Cát có sự tham gia đóng góp của Tổng đốc Nam Định Đoàn Triển, Cao Xuân Dục và các quan Tổng đốc, Tuần phủ các địa phương như Nghệ An, Hà Nam, Thái Bình, Ninh Bình… Tiêu biểu năm 1936, Hội Kinh Xuân Phổ Hóa (Huế) hưng công tiền của xây dựng Lăng Mẫu, năm 1938 thì hoàn thành. Cùng với đó, một số các di tích khác thuộc thôn Tiên Hương, Vân Cát cũng được nhân dân trùng tu, xây dựng và rước thần vị của các vị thần trong hệ thống Tam phủ, Tứ phủ vào thờ.

Ngày 21/2/1975, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã công nhận quần thể di tích Phủ Dầy là Di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia. Từ năm 1975 – 1994, do nhận thức chưa đứng đắn về giá trị của lễ hội, coi nghi thức hầu đồng là mê tín dị đoan, vì vậy nhà nước cho dừng hoạt động lễ hội. Tuy nhiên, sau một thời gian với sự vào cuộc nghiên cứu của các nhà khoa học, giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của quần thể di tích Phủ Dầy đã được khẳng định. Ngày 5/3/1998, Bộ Văn hóa quyết định chính thức cho phép mở hội Phủ Dầy.

3. Truyền thuyết mẫu Liễu Hạnh

Theo truyền thuyết kể lại, Liễu Hạnh nguyên là công chúa Quỳnh Hoa – con gái Ngọc Hoàng. Sau này vì đánh rơi chén ngọc nên bị giáng xuống trần vào năm 1557. Cô đầu thai vào nhà Lê Thái Công với cái tên Giáng Tiên. Giống như cái tên và nguồn gốc của nàng. Sắc đẹp của nàng thanh cao, nho nhã như tiên giáng trần. Tài năng thơ ca, đàn hát đều đầy đủ. Nàng nhiều lần xướng họa văn ca cùng chồng là Đào Lan và những bậc nho giả đại tài thời đó như Phùng Khắc Khoan.

Mẫu Liễu Hạnh được suy tôn là Thánh Mẫu tối cao, được coi là hóa thân của Đệ Nhất Thánh Mẫu Thượng Thiên và thờ ở vị trí chính giữa trong Tam tòa Thánh Mẫu với màu áo đỏ đại diện. Ngày tiệc chính tưởng nhớ Thánh Mẫu Liễu Hạnh là ngày 3/3 âm lịch, là ngày hóa của Mẫu trong lần giáng sinh thứ hai, được tổ chức long trọng tại các đền thờ Mẫu.

Tương truyền, Mẫu Liễu Hạnh là Đệ Nhị Quỳnh Hoa công chúa – con gái thứ 2 của Ngọc Hoàng Thượng Đế. Sự tích về lai lịch, hiện thân của Bà được ghi chép và lưu truyền bởi truyền thuyết 3 lần giáng sinh của Mẫu Liễu Hạnh.

Lần giáng sinh thứ nhất (1434 – 1473)

Lần giáng sinh thứ nhất, Tiên Chúa phụng mệnh giáng sinh Bà vào ngày 6/3/1434. Bà hiện thân là con gái một nhà họ Phạm tại làng Vi Nhuế, thôn Quảng Nạp, xã Trần Xá, huyện Đại Yên, phủ Nghĩa Hưng trấn Sơn Nam (nay là Vị Nhuế, Nam Định).

Trước đó, phụ thân và phụ mẫu bà là những người lương thiện, sống ngay thẳng và tích đức, nhưng tuổi đã toan về già mà họ vẫn chưa có con. Ngọc Hoàng Thượng Đế động tâm, hạ lệnh truyền Đệ Nhị Tiên Nương tức Công Chúa Liễu Hạnh xuống trần gian đầu thai làm con họ rồi sẽ trở về Linh Tiêu, cũng không quên báo mộng cho Phạm Thái ông sẽ sớm để con gái của mình đầu thai trở thành con của họ. Quả nhiên, ngay sau đó ít lâu, người vợ mang thai rồi hạ sinh một bé gái vô cùng xinh đẹp, liền đặt tên Phạm Thị Nga. Tiên chúa đầu thai rồi lớn lên ngày càng xinh đẹp, giỏi giang và hết mực hiếu thuận với cha mẹ. Vào năm giáp thân niên hiệu vua Lê Thánh Tông Quang Thuận ngũ niên tức năm 1464, Phạm Thái ông và Phạm Thái bà đều lần lượt qua đời. Một thân Đức Tiên chúa lo lắng mồ yên mả đẹp, cầu nguyện cho vong linh cho cha mẹ rồi lên đường chu du khắp thiên hạ làm phước thiện cho đồng dân, từ việc đắp đê ngăn lũ, dựng chùa lập miếu, bố thí cho tất cả bốn phương dân cùng,… Năm bà vừa tròn 40 tuổi thì hết thời gian ở hạ giới, nàng hóa thần về trời chầu Thượng Đế, khi đó là giờ dần ngày 2 tháng 3 năm 1473. Vì tưởng nhớ công ơn của nàng, dân chúng liền cho xây hai ngôi đền để thờ phượng. Một là Phủ Đại La Tiên Từ tại nền ngôi nhà cũ thời thơ ấu của Tiên Chúa, hai là Phủ Quảng Cung tại quê mẹ của nàng.

Lần giáng sinh thứ hai (1557 – 1577)

Khi về thiên đình ở trên Linh Tiêu, Đức Tiên Chúa vẫn không nguôi ngoai nỗi nhớ cha mẹ trần thế và vùng đất Nghĩa Hưng. Một lần do mất tập trung, khi Tiên Chúa đang dâng thọ tửu nhân dịp van thọ Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế thì lỡ đánh rơi chén Ngọc. Đức Ngọc Hoàng thất ý, liền truyền ghi tên vào sổ trích giáng trần thế. Khi đó là vào Lê Thiên Hựu đinh tỵ nguyên niên (1557)

Lần thứ hai giáng thế, bà giáng vào nhà họ Lê ngụ ở thôn Vân Cát, xã An Thái, huyện Thiên Bản, phủ Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Vào năm 1557 tức năm Tiên chúa giáng sinh, lúc đó Lê Thái bà đã quá ngày sinh mà vẫn chưa có dấu hiệu sinh nở. Một ngày, trong dịp nửa mê nửa tỉnh dự tiệc trên Thiên đình, Lê Thái ông được báo rằng có một cô gái tên Đệ Nhị Quỳnh Nương bị Ngọc Hoàng trích giáng. Chẳng mấy lâu sau, Thái bà hạ sinh con gái. Thấy đứa con mới sinh hao hao giống với tiên nữ đó nên ông liền đặt tên Lê Thị Thắng, hiệu là Giáng Tiên. Tiên chúa lớn lên xinh đẹp hơn người, giỏi ngâm thơ vịnh phú, đọc sách gẩy đàn. Khi vừa tròn 18 tuổi, Tiên chúa được phụ mẫu hứa hôn cùng Trần Đào Lang nhưng Bà nhất định không chịu, chỉ muốn thanh tu cho khỏi trần lụy. Sau rồi, Tiên chúa cũng chấp nhận kết duyên cho tròn kiếp và không để phụ lòng thân phụ thân mẫu. Nhưng trớ trêu thay, đến năm 21 tuổi thì Bà không bệnh mà mất vào giờ dần ngày 3 tháng 3 năm Đinh Sửu, niên hiệu Gia Thái ngũ niên triều vua Lê Thế Tôn (1577). Bà về trời và được thân mẫu trần gian thương xót an táng chu toàn. Sau lần thoát xác trần này, Mẫu Liễu Hạnh cũng được người dân xây dựng đền thờ và lăng mộ ở Phủ Dầy, Nam Định.

Lần giáng sinh thứ ba (1579)

Đức Tiên Chúa về trời, lòng vẫn lấy sự trần chưa duyên mãn mà áy náy khôn nguôn, luôn sầu ủ mày xuân, châu chan nét ngọc khiến các vị Quần Tiên không khỏi thương cảm, liền tâu với Ngọc Hoàng. Đức Thượng Đế thấy vậy, ban sắc phong “Liễu Hạnh công chúa” cho phép trắc giáng phi thường để tự diêu tự thích khỏi nỗi u sầu. Lúc bấy giờ là năm Kỷ Mão niên hiệu Quang hưng nhị niên triều vua Lê Thế Tôn (1579). Bà khi ẩn khi hiện về thăm quê hương 2 lần rồi ngao du thiên hạ, tiêu diêu bông đảo rồi giáng hiện tại Nga Sơn, Thanh Hóa vào năm 1609 để tái hợp cùng Mai Sinh – hậu kiếp của Trần Đào Lang. Được hơn một năm thì Tiên Chúa phụng mệnh mãn hạn về trời. Lúc này là vào năm Canh Tuất, niên hiệu Hoàng Định thập nhứt niên triều vua Lê Kính Tông tức năm 1610.

Sau khi đầu thai xuống hạ giới đủ 3 lần, Mẫu Liễu Hạnh ở lại Thiên cung mà trong lòng bà vẫn canh cánh nỗi nhớ với nơi trần thế. Hiểu được nỗi lòng của con gái, Ngọc Hoàng cho phép bà hạ thế bất thường lần nữa để hóa phép giúp đời, miễn vòng sinh tử luân hồi. Lần này bà xuất hiện dưới hình hài của một tiên nữ, đi cùng hai tiểu tiên khác, hiện xuống giữa ban ngày ở vùng Phố Cát, tỉnh Thanh Hóa. Ba nàng tiên liền lập chỗ trú ngụ và dùng nhiều loại phép tiên huyền ảo giúp vua giúp dân và giác ngộ Phật Pháp. Theo truyền thuyết về Mẫu Liễu hạnh, nàng đi khắp nơi để cứu nhân độ thế, trừng trị kẻ ác và đắc đạo thành Bồ Tát hiển Phật thánh linh thần. Bởi thế,triều đình và nhân dân lập đền thờ ở nơi nàng giáng trần là đền Sòng, Thanh Hóa.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *